Kỹ năng viết đoạn văn ghi lại cảm nhận là một kỹ năng vô cùng quan trọng bởi nếu không biết cách viết thì chúng ta sẽ bị trừ điểm trong các kỳ thi quan trọng. Dưới đây, VUIHOC sẽ hướng dẫn các em cách Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do| Văn 8 tập 1 Chân trời sáng tạo. Theo dői ngay nhé!
1. Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do: Phân tích đoạn văn
1.1 Xác định nội dung câu chủ đề và câu kết đoạn của đoạn văn.
Phương pháp giải:
Vận dụng toàn bộ kĩ năng đọc hiểu
Áp dụng kiến thức liên quan đến câu chủ đề
Lời giải chi tiết:
Câu chủ đề: “Bài thơ Lời con của Phan Thị Thanh Thảo đã đưa tôi về thế giới tuổi thơ hồn nhiên, đồng thời khiến tôi ngạc nhiên, thích thú vì những phát hiện tinh tế của nhà thơ về trẻ con”
→ Giới thiệu về nội dung chính của bài thơ Lời con của tác giả Phan Thị Thanh Nhàn.
Câu kết đoạn: “Tôi thầm cảm ơn nhà thơ đã giúp tôi thấm thía một điều thiêng liêng: đối với cha mẹ, con cái luôn là món quà tuyệt vời nhất.”
→ Rút ra bài học cùng với ý nghĩa thiêng liêng về tình yêu thương trong gia đình.
1.2 Tóm tắt phần thân đoạn.
Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức về cách tóm tắt một đoạn văn
Lời giải chi tiết:
Bài thơ được chia ra thành ba đoạn thể hiện các nội dung khác nhau. Nếu hai khổ thơ đầu tiên là những cảm nhận vô cùng ngây thơ hồn nhiên của con về cuộc sống lúc con kể chuyện với mẹ thì khổ cuối cùng lại là sự nghẹn ngào, hình ảnh của đứa con và tình mẫu tử thiêng liêng khiến cho người mẹ cảm thấy dạt dào cảm xúc sáng tạo nghệ thuật.
1.3 Tác giả sử dụng ngôi thứ mấy để chia sẻ cảm nghĩ của mình? Cảm xúc và suy nghĩ của tác giả đã được thể hiện như thế nào thông qua đoạn văn?
Phương pháp giải:
Áp dụng những kiến thức về ngôi kể
Lời giải chi tiết:
Tác giả sử dụng đến ngôi kể thứ nhất xưng tôi để chia sẻ cảm nghĩ của mình
Đối với tác giả và tất cả những người mẹ khác, đứa con chính là tài sản vô giá, là nguồn sống cũng là tình yêu thương vô bờ. Đọc từng câu ở trong văn bản chúng ta có thể nhận thấy rằng câu nào cũng vô cùng da diết, ngọt ngào và trìu mến.
1.4 Tác giả đã sử dụng những bằng chứng gì trong bài thơ để làm rő cảm nghĩ của bản thân?
Phương pháp giải:
Vận dụng toàn bộ kĩ năng đọc hiểu
Lời giải chi tiết:
Để làm rő cảm xúc của bản thân, tác giả đã lắng nghe con, chia sẻ với con, đặc biệt tác giả đã nhắc đến tất cả những điều con đã nói, những điều mà con đã tâm sự. Cho thấy nhà thơ rất thấu hiểu con, thấu hiểu được những suy nghĩ non nớt, không hề chê bai mà ngược lại còn vui vẻ và cùng con khám phá những điều thú vị ở thế giới xung quanh.
1.5 Tìm những phép liên kết đã được sử dụng trong đoạn văn.
Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức liên quan đến các phép liên kết câu
Lời giải chi tiết:
Các phép liên kết đã được sử dụng ở trong đoạn văn là:
- Phép lặp từ ngữ “mẹ”, “con”, “bài thơ”.
- Phép lặp cú pháp. Bài thơ Lời con của tác giả Phan Thị Thanh Nhàn đã đưa tôi về với thế giới tuổi thơ hồn nhiên, đồng thời cũng khiến cho tôi cảm thấy ngạc nhiên và thích thú vì những phát hiện vô cùng tinh tế của nhà thơ về trẻ con. Chỉ có thể thông qua đôi mắt trẻ thơ, thế giới mới hiện ra trong veo, ngộ nghĩnh và thú vị đến vậy: “cái cây là con cô gió”, “cô-ti-vi”, “ngâm thơ vào nước”…”
- Phép nối: “Đúng lúc này”
>> Xem thêm: Soạn văn 8 Chân trời sáng tạo
2. Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do: Thực hành viết
Đề bài: Chọn một bài thơ tự do mà em yêu thích sau đó viết một đoạn văn ghi lại cảm nghĩ của em về bài thơ ấy.
2.1 Cảm nghĩ về bài thơ “Những cánh buồm”
Bài thơ “Những cánh buồm” của tác giả Hoàng Trung Thông đã đem tới cho người đọc rất nhiều cảm xúc. Tác phẩm được rút ra từ một tập thơ cùng tên, được đánh giá là một trong những tác phẩm rất hay về ngôn từ, âm hưởng cùng với sức gợi cảm đặc biệt. Giọng thơ trầm lắng giống hệt như tiếng vỗ êm đềm của đại dương cùng với hình ảnh thơ về hai cha con được nhà thơ khắc họa rất chân thực. Người cha dắt theo con bước đi trên biển với chiếc bóng của người cha dài lênh khênh, còn bóng của người con thì tròn chắc nịch - một hình ảnh vô cùng đáng yêu cho thấy sự gắn bó và yêu thương của cha với con. Khi lắng nghe tiếng chân con bước đi, lòng cha bỗng cảm thấy sung sướng. Khát vọng được khám phá thế giới của con khiến cho cha cảm thấy bồi hồi và hạnh phúc khi bắt gặp hình ảnh của chính mình trước đây. Lời của con hay cũng chính là tiếng lòng của người cha khi còn là một cậu bé cũng từng mong ước rằng được khám phá thế giới rộng lớn ở ngoài kia. Những ước mơ chưa thể thực hiện được của người cha nay đã được gửi gắm trong con. Và đứa con sẽ tiếp tục thực hiện được ước mơ ấy thay cho người cha. Như vậy, bài thơ “Những cánh buồm” đã thể hiện được niềm tự hào của người cha khi thấy con của mình cũng ấp ủ những ước mơ thật cao đẹp. Qua đó, Hoàng Trung Thông còn muốn ca ngợi về ước mơ được khám phá cuộc sống của lứa trẻ thơ - đó là những ước mơ làm cho cuộc sống thêm phần tốt đẹp. Từ đó, người đọc cũng cảm nhận được tình cảm gia đình vô cùng thiêng liêng, quan trọng ở trong cuộc sống của mỗi người.
2.2 Cảm nghĩ của em về bài thơ Ông đồ
Bài thơ Ông đồ là một bài thơ chất chứa hàm súc, là sự tiếc nuối của tác giả về một nền văn học đã từng vô cùng rực rỡ. Ở hai khổ thơ đầu tiên, tác giả đã tái hiện lại bầu không khí ngày tết xưa khi ông đồ còn đang được trọng dụng. Khi ngày tết đến xuân về, hoa đào đua nhau khoe sắc thắm, phố phường thì nhộn nhịp đông vui và ông đồ xuất hiện ở bên hè phố bán đôi câu đối để cho mọi người trưng trong nhà như một văn hóa không thể nào thiếu vào ngày đầu năm mới. Những nét chữ thanh thoát như phượng múa rồng bay, gửi gắm vào đó cả tâm hồn cùng với tấm lòng người viết. Thế nhưng, theo thời gian, phong tục treo câu đối ngày tết cũng không còn được ưa chuộng nữa. Từ “nhưng” như nốt trầm ở trong khúc ca ngày xuân, cho thấy về sự thay đổi trong bước đi chầm chậm của thời gian. Người tri âm xưa nay cũng đã là người khách qua đường. Niềm vui nhỏ nhoi của ông đồ chính là được mang nét chữ của chính mình đem lại chút niềm vui cho mọi người trong dịp tết đến xuân về nay cũng đã không còn nữa. Nỗi buồn của lòng người khiến cho những vật vô tri vô giác như giấy đỏ hay bút nghiên cũng thấm thía được nỗi xót xa. Hình ảnh ông đồ xưa vốn gắn liền với nét đẹp truyền thống về nền văn hóa nho học, nay cũng dần bị lãng quên “Lá vàng bay trên giấy/Ngoài trời mưa bụi bay”. Ông vẫn ngồi ở đấy nhưng chẳng mấy ai còn để ý đến, lá vàng rơi vào giữa ngày xuân trên trang giấy nhạt phai giống như dấu chấm hết cho sự sinh sôi. Hạt mưa bụi nhạt nhòa đang bay trong cái se lạnh như đang khóc thương và tiễn biệt cho một thời đại đang dần trôi vào trong dĩ vãng. Ta như cảm nhận được thông qua tứ thơ là tâm trạng của thi nhân, phảng phất nỗi xót thương, nỗi niềm hoài cổ nhớ tiếc của nhà thơ về một thời đã qua. Và câu hỏi ở cuối bài thơ như lời tự vấn cũng như hỏi người, hỏi vọng về quá khứ với biết bao ngậm ngùi “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?”. Ông đồ vắng bóng không chỉ khép lại một thời đại trong quá khứ, đó còn là sự mai một về truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Bài thơ đã chạm tới những rung cảm trong lòng người, để lại nhiều suy ngẫm sâu sắc với mỗi người.
2.3 Cảm nghĩ về bài thơ Đồng chí
Bài thơ Đồng chí của tác giả Chính Hữu là một trong những tác phẩm thơ tiêu biểu nhất viết về chủ đề người lính trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tác phẩm được viết bằng thể thơ tự do, với những câu thơ ngắn dài khác nhau, giúp cho nhịp thơ như lời người kể chuyện và tâm tình. Khổ đầu tiên của bài thơ Đồng chí là lời giải thích về cơ sở hình thành của tình đồng chí, đồng đội - một tình cảm vô cùng sâu nặng và thiêng liêng không kém gì tình bạn. Đó là bởi vì những người lính có cùng hoàn cảnh xuất thân nghèo khó, cùng có lý tưởng đi đánh đuổi giặc ngoại xâm, cùng sát cánh ở bên nhau khi làm nhiệm vụ. Chính bởi những nét tương đồng như thế, mà họ đã gọi nhau bằng hai từ “đồng chí”. Vì lý tưởng, vì tổ quốc, những người lính đó đã gác lại hạnh phúc riêng tư của chính mình ở phía sau lưng, để tiến tới tiền tuyến. Họ không chỉ phải đối mặt với nhiều kẻ thù tàn bạo, mà còn phải đương đầu với hoàn cảnh sống vô cùng gian khổ. Nơi rừng hoang, cái rét buốt giá của gió núi và của sương đêm đã khiến cho họ phải đau đớn với những cơn sốt đến run người. Dẫu có biết bao nhiêu khó khăn và thiếu thốn, nhưng hoàn cảnh ấy cũng không thể nào đánh bại được tinh thần lạc quan của những những người lính trẻ tuổi. Bởi họ đã có đồng đội luôn ở cạnh bên, cùng chia sẻ hơi ấm và chia sẻ ước mơ cùng với sự quyết tâm. Chính nhờ có những người đồng chí đó, mà các anh đã vượt qua được tất cả để vững tay súng ở nơi tiền tuyến. Cuối bài thơ, tác giả đã giúp hình ảnh của người lính nơi biên giới trở nên thật thi vị cùng với nét miêu tả “đầu súng trăng treo”. Chiếc súng - đồ vật rất sắc lạnh và trăng tròn - hình ảnh về thiên nhiên tươi đẹp đã song hành với nhau, vừa tương phản nhưng lại hòa hợp tới lạ thường. Bài thơ Đồng Chí với những hình ảnh vừa chân thực vừa thi vị ấy, đã giúp cho em cảm nhận được một tình cảm hết sức trân quý giữa những người lính, đó chính là tình đồng chí.
2.4 Cảm nghĩ về bài thơ Ta đi tới
Bài thơ “Ta đi tới” của tác giả Tố Hữu đã gợi cho tôi rất nhiều cảm nhận. Tác giả đã sáng tác bài thơ vào khoảng thời gian tháng 8 năm 1954 - thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã kết thúc thắng lợi, chính niềm vui chiến thắng lan tỏa tới khắp mọi miền tổ quốc đã gợi nên nguồn cảm hứng thơ ca cho tác giả. Nhìn lại chặng đường của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp “ba ngàn ngày không nghỉ” nhà thơ đã bộc lộ ra cảm xúc sung sướng và tự hào khi giành được chiến thắng cùng với lòng căm thù giặc vô cùng sâu sắc. Hình ảnh trung tâm của bài thơ “ta đi” được kết hợp với một loạt các địa danh được xuất hiện đã góp phần thể hiện nên tình cảm của tác giả một cách vô cùng sinh động, đó chính là niềm vui chiến thắng đã được lan tỏa ra khắp mọi miền của tổ quốc. Khi đọc bài thơ, người đọc dường như cũng cảm thấy vui lây niềm vui của thời bấy giờ. Tố Hữu có vai trò một người hướng dẫn viên du lịch, đưa người đọc trở về miền kí ức xưa. Lịch sử đã ghi dấu ấn dân tộc Việt Nam với lòng kiên trung và bất khuất làm tan tác những bóng thù hắc ám, đổ biết bao nhiêu giọt mồ hôi nước mắt để đổi lấy nền độc lập cho Tổ quốc. Không chỉ thế, tác giả còn gửi gắm lời nhắc nhở mỗi con người chúng ta dù cho có đi đâu thì chúng ta vẫn sẽ là “con một cha, nhà một nóc”. Dù có như thế nào đi nữa thì dòng máu con người Việt Nam vẫn luôn chảy trong tim, ta vẫn luôn là “dân Cụ Hồ”, phải sống làm sao cho xứng đáng với cội nguồn ấy.
Bài viết phía trên là phần Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do. Bài soạn đã giúp các em nắm được những kiến thức liên quan đến cách viết cũng như một số đoạn văn tham khảo ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do.
Ngoài bài soạn này ra, nếu các em muốn tham khảo thêm những bài soạn khác nằm trong chương trình ngữ văn và cả những bài soạn khác thuộc các môn học khác nói chung thì các em phải nhanh chóng truy cập vào website chính thức của VUIHOC đó là vuihoc.vn để có thể đăng ký khoá học cho mình một cách nhanh chóng và được trực tiếp giảng dạy các dạng bài tập thường gặp từ các thầy cô giáo VUIHOC vô cùng đáng yêu và nhiệt huyết.
Nguồn: