Trò chơi điện tử là một thú vui giải trí rất “hot” hiện nay và thu hút được đông đảo người chơi, đặc biệt là các bạn học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, những trò chơi này thường để lại tác hại nhiều hơn lợi ích. Bài viết này VUIHOC sẽ hướng dẫn chi tiết cách Viết bài văn nghị luận tác hại của trò chơi điện tử cho các em.
Nghị luận tác hại của trò chơi điện tử mẫu 1
Khi công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển, ra đời mạng điện tử, có nhiều nhà sáng chế, lập trình viên đã sáng tạo ra những trò chơi điện tử với mục đích ban đầu là giúp cho người chơi thư giãn sau những giờ phút căng thẳng của công việc. Tuy nhiên, khi các trò điện tử ngày càng phổ biến, đã diễn ra những hiện tượng nghiện game rộng khắp không chỉ ở một nước mà còn có trên nhiều nước. Đặc biệt đối tượng học sinh chính là những người bị nghiện game nhiều nhất.
Game được hiểu là những trò chơi điện tử được những lập trình viên sáng tạo ra với nhiều thể loại vô cùng phong phú. Và hiện nay, nghiện game đang là một hiện tượng được phổ biến rộng khắp. Nó còn được cảnh báo độ nguy hiểm ngang với nghiện thuốc phiện, khiến cho người chơi phải mê muội vào nó, không còn để ý đến xung quanh.
Tại Việt Nam, hiện tượng học sinh nghiện game vô cùng phổ biến. Ta có thể bắt gặp rất nhiều thanh thiếu niên còn đang mặc bộ đồng phục trắng ngồi trong quán nét chơi hàng giờ liền, thậm chí có nhiều người còn chơi qua ngày. Hay có thể thấy trên mạng có những clip quay lại cảnh những quán net đầy những cậu học sinh đang chơi mà bố mẹ cầm roi đi tìm, quát mắng mà vẫn cố gắng chơi cho nốt. Những quán điện tử xuất hiện với tần số nhiều hơn, được trang bị nhiều loại máy tính công nghệ cao hơn, phục vụ cho “nhu cầu” của các em học sinh.
Hiện tượng nghiện game rất phổ biến bởi nhiều lý do đặc biệt là chúng đang ngày càng được sáng tạo theo nhiều cách phong phú. Theo thị yếu của người chơi, những người tạo ra nó sẽ không ngừng phát triển những trò điện tử với đầy màu sắc, đầy sự hấp dẫn và đa dạng thể loại như trí tuệ, hành động,… Tính đa dạng và mới mẻ của game đã thu hút, khơi gợi lứa tuổi học sinh thích tìm hiểu những điều mới. Học sinh ý thức vẫn còn kém trong việc quản lý thời gian chơi của mình, không thể nào ngừng chơi, không thể làm chủ bản thân của mình. Học sinh cũng còn thiếu sót trong nhận thức về tính nguy hại của những trò điện tử. Hơn thế cha mẹ quản lý còn lỏng lẻo, buông thả con cái. Nhiều bậc phụ huynh quá mải mê với công việc mà quên mất cần phải quan tâm đến con cái khiến nhiều học sinh vì quá cô đơn mà tìm đến trò chơi điện tử.

Nghiện game giống như nghiện ma tuý vậy, nó có rất nhiều tác hại khó lường. Trước hết ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe và tâm lý học sinh. Học sinh dễ bị các bệnh về mắt như cận thị và loạn thị do sử dụng máy tính thường xuyên. Nghiện game cũng gây ảnh hưởng đến xương cột sống, đến não bộ,… Hơn vậy, nhiều học sinh vì quá nghiện game mà mắc những căn bệnh tâm lý như trầm cảm,… Nghiện game còn tốn tiền bạc, tốn thời gian. Chơi game tốn rất nhiều thời gian, và như thế các bạn học sinh lấy đâu thời gian để học và tham gia những hoạt động khác. Học sinh chưa thể nào kiếm ra tiền, số tiền mà bố mẹ cho tiêu vặt hàng tháng cũng không đủ cho ham mê trò chơi như thế được, điều này dẫn tới những thói quen xấu như nói dối, lấy cắp tiền,… Như vậy việc nghiện game đã sinh ra rất nhiều thói hư tật xấu mà một người học sinh không nên có. Đối với học sinh, nghiện game là con đường ngắn nhất dẫn đến việc học hành sa sút, điểm số kém dần, lượng kiến thức thiếu hụt do đầu óc tâm trí để hết vào các trò chơi điện tử.
Nghiện game là một hiện tượng đáng báo động bắt buộc chúng ta phải lên tiếng và đề ra các biện pháp ngăn chặn. Với nhà trường phải có những cách thức để ngăn chặn, dạy bảo và tổ chức nhiều những hoạt động ngoại khóa thú vị để cho các em học sinh tham gia. Với phụ huynh phải thường xuyên theo dői và quản lý thời gian sử dụng máy tính của con cái. Và với học sinh, phải có ý thức tự giác, tự quản lý được bản thân và không ngừng học tập, rèn luyện.
Xã hội ngày càng phát triển, con người có rất nhiều cách để giải trí khác nhau. Vậy tại sao ta lại không tham gia những hoạt động giải trí lành mạnh mà lại để hiện tượng game ngày càng phổ biến như vậy? Điều này chúng ta rất cần quan tâm và loại bỏ.

https://vuihoc.vn/tin/thpt-viet-bai-van-nghi-luan-tac-hai-cua-tro-choi-dien-tu-5044.html