Soạn bài Tự tình (bài 2)| Văn 9 tập 1 kết nối tri thức dưới đây sẽ giới thiệu cho bạn đọc một nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam cũng như một bài thơ hay nói lên cuộc sống của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

1. Soạn bài Tự tình (bài 2): Đọc văn bản

1.1 Tìm hiểu về tác giả Hồ Xuân Hương

- Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sinh năm 1772 mất năm 1822. Đây là một trong những nhà thơ có phần bí ẩn của nền văn học nước ta bởi gần như không có bất cứ tài liệu cổ nào ghi chép về lai lịch của bà. Theo một số tài liệu ghi chép rằng, bà sinh ra ở  Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

- Cuộc đời của người phụ nữ tài hoa này vốn không hề bằng phẳng, bà trải qua ít nhất hai đời chồng và đều là làm vợ lẽ. 

- Đến sau này, bà sống chủ yếu tại kinh thành Thăng Long thuộc thủ đô Hà Nội bây giờ. Bà có một ngôi nhà riêng gần sát Hồ Tây và được đặt tên là “Cổ Nguyệt Đường”. Cuộc sống cá nhân ty vất vả và có phần bất hạnh nhưng bà đã nỗ lực đóng góp cho kho tàng văn học Việt Nam một số lượng tác phẩm khá lớn. Giọng thơ của bà có nét rất riêng và hiện đại, có phần tinh nghịch và bà dám nói lên những điều mà nữ giới thời bà không dám lên tiếng.

- Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam ta rất nhiều tác phẩm đặc sắc, hầu hết đều được viết bằng chữ Nôm như “bánh trôi nước”, “cảnh thu”, “cái nợ chồng con”,...

- Bà được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới vào năm 2021 và được những người yêu văn học gọi với danh xưng “bà chúa thơ Nôm”.

1.2 Tìm hiểu về chùm thơ Tự tình 

- Chùm thơ Tự tình bao gồm ba phần, là chùm ba bài thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

- Cả ba bài thơ đều được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú.

- Đây là những dòng cảm xúc của tác giả thể hiện những đắng cay tủi nhục mà bà đã trải qua hoặc bà đã nhìn thấy. Là sự đau lòng khi thấy cả thế hệ phụ nữ bị chèn ép, áp bức bởi xã hội phong kiến bất công.

- Nhan đề “tự tình” chính là cách thể hiện tâm tư tình cảm một cách trực tiếp.

>> Xem thêm: Soạn văn 9 kết nối tri thức 

2. Soạn bài Tự tình (bài 2): Sau khi đọc

2.1 Câu 1 trang 77 SGK Văn 9/1 kết nối tri thức

Xác định thể thơ, đề tài và bố cục của bài thơ.

- Tự tình được viết theo thể thơ Thất ngôn bát cú đường luật.

- Tác phẩm nói về số phận của người phụ nữ sống trong thời kỳ phong kiến cổ hủ. Có thể chia tác phẩm theo bố cục 4 phần:

  • Phần 1: Hai câu đề - nói về sự buồn tủi và cô đơn của người phụ nữ

  • Phần 2: Hai câu thực - Đây là sự bẽ bàng cũng như chua xót về thân phận của người phụ nữ.

  • Phần 3: Hai câu luận - Thái độ bất khuất, không cam chịu mà phẫn uất về một kiếp người.

  • Phần 4: Hai câu kết - Sự xót xa mà ngậm ngùi về số phận đau thương của mình cùng với khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc hơn.

2.2 Câu 2 trang 77 SGK Văn 9/1 kết nối tri thức

Hai câu đề miêu tả thời gian, không gian nào và gợi tâm trạng gì?

- Hai câu đề đã miêu tả được khoảng thời gian, không gian và gợi được tâm trạng:

+ Lựa chọn thời gian vào lúc “đêm khuya”. Vào khoảng thời gian này còn người hay dành để ngẫm nghĩ về cuộc sống, về sống phận. Nhất là với người phụ nữ đây còn là lúc cô có nhiều cảm xúc nhất với cuộc đời của mình.

+ Không gian bối cảnh tác phẩm:

  • Có cảnh “nước non” rộng lớn mênh mông khiến cho con người càng trở nên nhỏ bé, đơn độc hơn. Cảnh nước còn là sự xô bồ bất hảo của xã hội đương thời.

  • Không gian yên tĩnh nghe rő cả âm thanh của “văng vẳng trống canh dồn”. Sự yên ắng này còn tạo nên tâm trạng cô đơn, buồn tủi của con người.

+ Tâm trạng được thể hiện qua hai câu đề:

  • Sự “trơ” trọi của người phụ nữ. “Trơ” ở đây chính là sự đơn độc, không có ai ở bên cạnh của người phụ nữ. Đây còn là sự tủi nhục khi phải một mình đối mặt với bao mất mát đau thương mà cuộc đời ép phải nhận. “Trơ” còn chính là sự trơ lì, sau khi trải qua quá nhiều mất mát đau thương thì giờ đây người phụ nữ đã không còn bất cứ cảm xúc dư thừa nào với cuộc sống vốn bao bất công này.

  • Hồng nhan thì bạc phận, dù người phụ nữ rất đẹp nhưng vẻ đẹp này không những không được trân trọng nâng niu mà còn bị rẻ rúng, không một ai thèm quan tâm đến cô. Người phụ nữ dù có đẹp đến đâu mà không ai quan tâm, bị xã hội đánh giá coi thường thì vẫn sẽ phải chấp nhận sự tủi hổ đắng cay mà bị thực tế cuộc sống vùi dập.

 

2.3 Câu 3 trang 77 SGK Văn 9/1 kết nối tri thức

Hai câu thực và hai câu luận thể hiện những trạng thái cảm xúc nào?

Trong hai câu thực:

- Hành động của người phụ nữ:

  • Sử dụng men rượu để quên đi sự đời, uống rượu để làm tê liệt cảm xúc, khiến con say lặp đi lặp lại và trốn tránh thực tế.

  • Một vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại khi tỉnh rồi say, say rồi lại tỉnh.

  • Nhân vật đã chọn một trong những cách cực đoan nhất để phản kháng số phận đó là tìm đến rượu. Những cuộc sống luôn vùi dập con người đến cùng khi càng uống càng tỉnh. Men rượu vào như một chất xúc tác nhấn thêm vào nỗi đau của người phụ nữ khiến cô càng đau khổ hơn trước số phận nghiệt ngã của mình.

- Tâm trạng của nhân vật:

  • Tuổi thanh xuân rực rỡ và tươi đẹp nhất của một người thiếu nữ dần dần trôi đi không thể kiểm soát “vầng trăng bóng xế”.

  • Mối quan hệ tốt đẹp nhất của con người là câu chuyện tình duyên cũng không trọn vẹn, qua đi với muôn ngàn tiếc nuối như dòng nước trôi tuột qua bàn tay, như ánh trăng “khuyết chưa tròn”.

  • Tâm trạng của nhân vật được tác giả đề cập đến trong hai câu thực chính là sự chua xót về số phận cũng như cảm giác bẽ bàng tủi hổ của người phụ nữ.

- Trong hai câu luận:

  • Sự vật xuất hiện đều là những thứ nhỏ bé, không giá trị, dễ dàng bị mọi người con thường như hòn đá, rong rêu,...

  • Trạng thái của sự vật cũng rất bất thường như đâm toạc, xiên ngang,...

  • Tác giả đã tạo ấn tượng cho người đọc ngay từ những chữ đầu tiên khi lựa chọn sử dụng biện pháp nghệ thuật đảo ngữ, mang những động từ mạnh như “xiên ngang”, “đâm toạc” lên đầu kết hợp cùng nghệ thuật đối.

  • Những sự vật nhỏ bé nhưng đầy mạnh mẽ này đã thể hiện được sức mạnh của vạn vật trong cuộc sống. Những sinh vật nhỏ bé yếu đuối ký sinh như rong rêu vào những lúc quan trọng vẫn có thể mạnh mẽ vươn lên để thoát khỏi sự trói buộc của không gian. Sự vật yếu mềm như rêu hay nhỏ bé như đá cũng sẽ vùng lên bất chấp bản thân để phá vỡ mọi giới hạn mà xã hội áp xuống nó.

  • Có áp bức sẽ xuất hiện đấu tranh, tinh thần phản kháng của con người thời đại nào cũng có. Họ luôn muốn có thể phá vỡ bốn bức tường chật hẹp để vươn lên mọi định kiến cổ hủ của xã hội. Người phụ nữ vốn nhỏ bé cả về ngoại hình lẫn tiếng nói nhưng vẫn luôn tin vào một tương lai tươi sáng để rồi đứng lên đấu tranh cho dù biết cái giá của thất bại sẽ rất đắt nhưng cũng không muốn cả đời phải chịu sự chà đạp.

  • Đây vừa là cảm xúc phẫn uất, bực tức không chấp nhận số phận chán nản, tù túng cũng chính là khát vọng về một hạnh phúc trọn vẹn.

2.4 Câu 4 trang 77 SGK Văn 9/1 kết nối tri thức

Chỉ ra sự chuyển mạch cảm xúc của bài thơ trong hai câu thơ kết.

- Nhà thơ Hồ Xuân Hương đã xử lý rất mượt mà trong việc chuyển mạch cảm xúc của bài thơ:

- Từ tâm trạng “ngán” ngẩm, chán nản, tuyệt vọng trước cuộc sống bất công giờ đây nhân vật đã “ngán” sống, chỉ còn sinh tồn chứ không phải sinh sống nữa.

- Từ “xuân đi” thể hiện dòng thời gian luôn luôn trôi khiến cho tuổi thanh xuân của con người dần đi qua.

- Từ “xuân lại lại” là dòng tuần hoàn của thời gian, xuân đi nhưng một năm sau xuân lại trở về lặp lại vòng lặp của thời gian.

-> Trong mạch cảm xúc này chính là lời nói đầy cảm xúc mà xót xa của người phụ nữ khi tuổi xuân của cô đã dần qua không thể lấy lại nhưng thiên nhiên vạn vật vẫn đến và đi như một lẽ đương nhiên.

- “Mảnh tình” mỏng manh nhỏ bé không bao giờ có thể trọn vẹn của nhân vật như muốn nói kiếp này cô không bao giờ tìm được hạnh phúc cho riêng mình.

- Tình duyên vốn ít ỏi không đủ đầy mà giờ đây còn phải san sẻ chia nhỏ khiến cho đã ít còn ít hơn nữa.

- Tất cả những gì còn lại của nhân vật chỉ có một “tí con con”.

- Sự chuyển mạch cảm xúc trong tác phẩm còn ở trong hai câu thơ kết. Sự chuyển biến này thay đổi từ tâm trạng hờn dỗi, trách móc “tài tử văn nhân ai đó tá” chuyển đến sự chủ động của bản thân người con gái khi mà: “Thân này đâu đã chịu già tom”. Cụm từ “đâu đã chịu” đã giúp ta cảm nhận được sự kiên định mà đầy bướng bỉnh cố chấp khác với những người phụ nữ cùng thời đại của tác giả Hồ Xuân Hương.

Bà không chấp nhận hiện thực tuổi thanh xuân thì dần qua đi nhưng vẫn mãi chưa tìm được cho mình chốn để trở về. Bà vẫn đang lẻ bóng đơn côi, tình duyên thì lận đận vẫn luôn sống cảnh một mình lẻ bóng sớm chiều. Đến phần cuối của tác phẩm, mạch cảm xúc từ vô vọng bất lực với cuộc sống đã trở thành những cảm xúc vui vẻ, tràn đầy nhựa sống, đầy hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn được thể hiện trong câu thơ cuối bài.

=>  Mọi thứ như nhỏ bé lại, giảm dần. Từ thiên nhiên rộng lớn, mùa xuân kéo dài giờ chỉ còn một mảnh đời bất hạnh đáng thương của người phụ nữ. Đường tình duyên vốn không suôn sẻ, lận đận cả đời nay lại bị ép buộc san sẻ phần lớn cho người khác, chỉ có thể góp nhặt lại một tí con con cho mình gặm nhấm.

2.5 Câu 5 trang 77 SGK Văn 9/1 kết nối tri thức

Nêu chủ đề của bài thơ. Chủ đề đó giúp em hiểu thêm điều gì về tư tưởng, tình cảm của tác giả?

- Chủ đề của bài thơ chính là số phận đầy bất hạnh của người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến cổ hủ đương thời.

Qua chủ đề này em có thể hiểu được tư tưởng và tình cảm của tác giả. Nhà thơ như muốn trải lòng mình, cảm thương cho số phận ngang trái mà tủi nhục của những người phụ nữ dù có cố gắng đến đâu cũng không thoát được hiện thực mà xã hội đè ép. Mỗi câu thơ của tác giả không chỉ nói lên tình cảm của cá nhân mà còn là tâm trạng của biết bao thế hệ, bao người phụ nữ Việt Nam có tài có sắc, vẹn toàn đạo đức nhưng vẫn luôn bị chế độ phong kiến bó buộc. Xã hội bất công khiến cho người phụ nữ không thể phát huy thế mạnh của bản thân mà chỉ trói buộc trong gian bếp, trong căn nhà nhỏ bé. Dù có cam chịu như vậy nhưng xã hội vẫn không buông tha mà chà đạp lên sự sống của con người.

=> Nhà thơ cảm thấy tủi hổ, buồn bã trước sự lận đận trong tình duyên. Bà còn thể hiện được sự xót thương với cả thế hệ nữ giới cùng thời với mình, không biết đến ngày nào mới hết khổ. Qua đó còn là khát vọng làm chủ cuộc đời mình, làm chủ hạnh phúc và một xã hội công bằng đối xử tốt hơn với phái nữ.

2.6 Câu 6 trang 77 SGK Văn 9/1 kết nối tri thức

Nhận xét về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của tác giả trong bài thơ.

Nhà thơ Hồ Xuân Hương đã sử dụng thể thơ quen thuộc, truyền thống của nền văn học nước ta đó chính là thể thơ thất ngôn bát cú đường luật cùng với ngôn ngữ có chọn lọc. Sự kết hợp này đã làm tôn vinh nét đẹp của tiếng Việt cũng như mang một làn gió mới đến thể loại thơ cổ vốn có phần quy chuẩn. Chính vì vậy, tác phẩm văn học này dễ dàng tiếp cận người đọc hơn, khiến cho độc giả có cảm giác gần gũi mà quen thuộc.

Việc sử dụng những từ ngữ đơn giản nhưng lại đặc sắc kết hợp với những động từ mạnh và từ láy tượng thanh đã hỗ trợ thể hiện được những mong ước của tác giả về một xã hội công bằng, nhẹ nhàng hơn với người phụ nữ. Qua đó còn làm nổi bật lên sự nổi loạn trong tâm hồn thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

 

Qua bài viết trên, Vuihoc đã mang đến cho các em Soạn bài Tự tình (bài 2) Văn 9 tập 1 kết nối tri thức. Hy vọng qua bài viết này các em sẽ có thêm những gợi ý và hướng dẫn trọng điểm cho tác phẩm, giúp các em hiểu tác phẩm một cách chi tiết hơn. Để bổ sung thêm nhiều kiến thức bổ ích với các chủ đề cũng như nội dung khác nhau, các em hãy thường xuyên theo dői các bài viết mới nhất của Vuihoc nhé!

 

Nguồn:

https://vuihoc.vn/tin/thcs-soan-bai-tu-tinh-bai-2-van-9-tap-1-ket-noi-tri-thuc-4145.html