VUIHOC gửi đến các em học sinh đề cương ôn thi giữa kỳ 2 môn Ngữ Văn 12 chi tiết. Bài viết tổng hợp các kiến thức trọng tâm cần ghi nhớ để làm tốt bài thi giữa kỳ. Mời các em cùng theo dői.

1. Ôn thi giữa kì 2 môn Ngữ Văn 12: Tác phẩm trọng tâm 

1.1 Vợ chồng A Phủ

a. Tác giả Tô Hoài: 

- Là nhà văn hiện thực, chuyên viết về cuộc sống đời thường. Tác phẩm của Tô Hoài hấp dẫn người đọc bởi lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động nhờ vốn hiểu biết sâu rộng về từ vựng, cách diễn đạt tinh tế, giản dị nhưng vẫn giàu chất thơ. 

- Tác giả có vốn hiểu biết sâu rộng về phong tục, tập quá nhiều vùng miền khác nhau.

b. Tác phẩm Vợ chồng A Phủ: 

- Hoàn cảnh sáng tác: Viết năm 1952 và được in trong tập "Truyện Tây Bắc", giành giải nhất - giải thưởng hội Văn nghệ Việt Nam.

- Giá trị hiện thực: Miêu tả số phận khốn khổ của người dân lao động nghèo và bản chất tàn bạo của giai cấp thống trị ở miền núi. Tái hiện bức tranh thiên nhiên và phong tục tập quán đầy màu sắc của đồng bào tân tộc. 

- Giá trị nhân đạo:  Sự đồng cảm và yêu thương với những người dân lao động ở miền núi trước cách mạng. Lên án và tố cáo tội ác của giai cấp thống trị. 

- Hình tượng nhân vật Mị: 

+  Cuộc sống thống khổ, số phận tủi nhục bất hạnh.

+  Sức sống tiềm tàng và khát vọng hạnh phúc mãnh liệt trong đêm tình mùa xuân.

+ Sức phản kháng mạnh mẽ trong đêm mùa đông khi cởi trói cho A Phủ.

- Hình tượng nhân vật A Phủ: 

+ Số phận éo le. 

+ Phẩm chất tốt đẹp: dũng cảm, yêu tự do, yêu lao động, có sức sống tiềm tàng mãnh liệt.

1.2 Vợ nhặt 

a. Tác giả Kim Lân: 

- Xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, học hết tiểu học phải vất vả kiếm sống từ nhỏ. 

- Kim Lân chuyên viết truyện ngắn, đề tài chủ yếu xoay quanh nông thôn và người nông dân. 

b. Tác phẩm Vợ nhặt:  

- Hoàn cảnh sáng tác: Viết năm 1954, cốt truyện xoay quanh nạn đói năm 1945, dựa trên 1 phần cốt truyện cũ của tiểu thuyết "Xóm ngụ cư".

- Tình huống truyện: Éo le, độc đáo mới lạ với sự kiện trong nạn đói nhân vật Tràng dẫn theo người đàn bà xa lạ về nhà khiến mọi người ở xóm ngụ cư ngạc nhiên. Tràng không phải cưới vợ mà là "nhặt vợ". Đây là một tình huống truyện vừa bi thảm lại rất tình người trong thời điểm đó. Ý nghĩa của tình huống truyện này là con người trong hoàn cảnh đói khổ, khó khăn nhưng vẫn khát khao hạnh phúc gia đình. Tình huống truyện còn làm nổi bật số phận bi thương của người nông dân trong nạn đói 1945 và phản ánh tâm trạng, tính cách của nhân vật cũng như chủ đề của tác phẩm.

- Giá trị hiện thực: Tái hiện lại chân thật nạn đói năm 1945 mà người nông dân phải chịu đựng.Lên án tố cáo thực dân phong kiến chủ nghĩa phát xít đã bóc lột áp bức người nông dân vào cuộc sống bần cùng và đói khổ. 

- Giá trị nhân đạo: Thông cảm và sẻ chia với số phận của người nông dân trong thời kỳ 1945. Lên án tố cáo thực dân phong kiến và chủ nghĩa phát xít bóc lột, đẩy người nông dân vào đường cùng. Phát hiện và ca ngợi vẻ đẹp tâm hồi của các nhân vật, sự nhân ái, lòng yêu thương và khát khao hạnh phúc của con người. Hướng tới niềm tin của cuộc sống, niềm tin chiến thắng và cách mạng. 

- Hình tượng nhân vật Tràng: 

+ Người nông dân nghèo khổ nhưng có tấm lòng nhân ái, tốt bụng và giàu tình người.

+ Cận kề cái chết, cái đói nhưng Tràng vẫn khát khao hạnh phúc, hướng về ánh sáng, tin tưởng vào tương lai. 

- Hình tượng người vợ nhặt: 

+ Là nạn nhân của nạn đói, sống vất vưởng, số phận rẻ rúng. 

+ Dù đứng trên bờ vực của cái chết nhưng thị vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình.

- Hình tượng bà cụ Tứ:

+ Cảnh ngộ đau khổ, cả cuộc đời buồn khổ. 

+ Thương con, bao dung và giàu lòng vị tha, có tinh thần lạc quan và niềm tin vào tương lai hạnh phúc. 

1.3 Rừng xà nu

a. Tác giả Nguyễn Trung Thành

- Là nhà văn gắn bó với vùng đất Tây Nguyên trong cả hai cuộc kháng chiến. Ông có hiểu biết và yêu mến thiên nhiên, con người nơi đây. Vùng đất này cũng là nguồn cảm hứng chủ đạo nuôi dưỡng ước mơ trong các trang văn của tác giả. 

- Sáng tác của ông mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn. Ông tập trung viết về hai cuộc kháng chiến, đề cập đến những vấn đề trong đại và xây dựng thành công hình tượng nhân vật anh hùng.

b. Tác phẩm: 

- Hoàn cảnh sáng tác: Viết năm 1965, lấy cảm hứng từ việc quân Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam và đánh phá ác liệt miền Bắc Việt Nam. 

- Cốt truyện: Hai câu chuyện lồng ghép vào nhau đó là chuyện về cuộc đời của người anh hùng Tnú là cốt lői của câu chuyện về dân làng Xô Man. 

- Xung đột chính của truyện: Người dân làm cách mạng và kẻ thù Mỹ - Ngụy. 

- Phong cách truyện: Sử thi lãng mạn, tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi trong giai đoạn 1945 - 1975. 

- Hình tượng rừng xà nu: Cây xà nu trở thành một phần máu thịt với dân làng Xô Man cả trong đời sống vật chất và tinh thần. Cây xà nu là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, kiên cường và bất khuất, không ham sống sợ chết, khát khao ánh sáng tự do, là biểu tượng cho sự bất diệt. Hình ảnh cây xà nu vừa mang vẻ đẹp thiên nhiên gắn bó với đời sống cũng là hình ảnh biểu tượng của con người Tây Nguyên, miền Nam và cả dân tộc Việt Nam. 

- Hình tượng nhân vật Tnú: Là người gan góc, dũng cảm và mưu trí. Anh còn là người có tính kỷ luật cao, tuyệt đối trung thành với cách mạng. Anh cũng có trái tim yêu thương và sôi sục căm thù giặc. Cuộc đời Tnú bi tráng và con đường đến với cách mạng điển hình góp phần làm sáng tỏ chân lý của thời đại: Phải dùng bạo lực cách mạng để tiêu diệt bạo lực phản cách mạng, đấu tranh vũ trang là con đường tất yếu để giành lại độc lập và tự do.

- Tính sử thi:

+ Thể hiện qua đề tài, chủ đề của truyện, đó là cuộc đời và con đường giải phóng của dân làng Xô Man, đại diện cho số phận và con đường chiến đấu giải phóng của nhân dân miền Nam, của cả dân tộc Việt Nam.

+ Hệ thống nhân vật là cả một tập thể anh hùng với đại diện là Tnú và dân làng Xô Man và các thế hệ nối tiếp. Đây là kết tinh của vẻ đẹp và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, truyền thống bất khuất của nhân dân miền Nam, của dân tộc Việt Nam. 

+ Xung đột: Giữa nhân dân và Mỹ - Ngụy: Đây là xung đột của thời đại, của dân tộc. 

+ Hình tượng rừng xà nu: Biểu tượng cây - người.

+ Nghệ thuật trần thuật tạo nên không gian sử thi và giọng điệu ngợi ca hào hùng. 

1.4 Những đứa con trong gia đình

a. Tác giả Nguyễn Thi: 

- Ông sinh ra ở miền Bắc nhưng cuộc đời sự nghiệp lại gắn bó với nhân dân Nam Bộ. Ông viết về họ với tình cảm thủy chung, ân nghĩa. 

- Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm của Nguyễn Thi là những người dân có bản chất hồn nhiên, bộc trực, trung hậu và có lòng căm thù giặc sâu sắc, sẵn lòng hi sinh vì quê hương, vì độc lập và tự do của Tổ Quốc. 

- Nguyễn Thi là cây bút có năng lực phân tích tâm lý nhân vật sắc sảo, có khả năng thâm nhập sâu vào đời sống nội tâm của nhân vật, phân tích tâm lý nhân vật suất sắc. 

- Văn Nguyễn Thi vừa giàu chất chữ tình, vừa đầy chất sống hiện thực. Ngôn ngữ phong phú và giàu giá trị tạo hình, đậm chất Nam Bộ. 

b. Tác phẩm: 

- Chủ đề: Câu chuyện kể về những người con trong gia đình có truyền thống yêu nước. Là một gia đình tập trung những nét tiêu biểu của số phận, phẩm chất nhân dân Nam Bộ trong thời kỳ kháng Mỹ.

=> Truyền thống cách mạng và lòng căm thù giặc, tinh thần chiến đấu kiên cường và anh dũng của nhân dân Nam Bộ chính là sức mạnh lớn lao của con người Việt Nam.

- Vẻ đẹp của những người con trong gia đình: 

+ Điểm chung của hai chị em Chiến và Việt: Hai chị em được miêu tả là "khúc sông trong" của "dòng sông truyền thống" gia đình. Là thế hệ trẻ tiếp bước cha ông trong thời kỳ kháng chiến mang những điểm chung và nét khác biệt của thế hệ trẻ miền Nam. 

+ Điểm riêng của nhân vật chị Chiến: 

  • Qua cách nhìn của em trai, chị có nhiều điểm giống mẹ. 

  • Thay cha mẹ chăm lo cho em trai, lo mọi chuyện trong nhà chu toàn. 

  • Tranh nhau với em để được tòng quân trả thù cho cha mẹ. 

  • Ra đi chiến đấu với lời thề: "Nếu giặc còn thì tao mất". 

  • Trước khi ra đi làm cơm cúng cha mẹ, cùng em trai khiêng bàn thờ đi gửi nhà chú Năm. 

=> Là cô cái vừa mới lớn, vẫn còn mang trong mình một chút gì đó trẻ con nhưng cũng là một người chị hết sức lo lắng cho em trai, đảm đang, tháo vát, yêu thương cha mẹ và căm thù giặc. Chiến có tính gan góc, dũng cảm, rắn rỏi và kiên nghị - kế thừa những đức tính tốt của mẹ, đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ Nam Bộ.

+ Điểm riêng của nhân vật Việt:

  • Vẫn còn trẻ con, thích đi chơi, câu cá, bắn chim, tranh giành phần hơn với chị. 

  • Đêm trước ngày lên đường, chị Chiến lo chu toàn mọi việc còn Việt vẫn vô cư vui đùa rồi ngủ mất. 

  • Nằng nặc đòi đi tòng quân dù chưa đủ tuổi, khi ra trận thì xôi nổi chiến đấu, quyết tâm lập công để trả thù cho cha mẹ và dũng cảm tiêu diệt được một xe bọc thép.

  • Khi bị trọng thương nằm lại một mình ở chiến trường, dù đau đớn nhưng Việt vẫn luôn ở trong tư thế chờ tiêu diệt giặc. 

  • Thương chị theo cách riêng của mình. 

=> Việt vẫn còn nét trẻ con, ngây thơ hiếu động của một chàng trai mới lớn. Nhưng cũng rất chững chạc trong tư thế người chiến sĩ dũng cảm, có tính cách kiên cường. Trong Việt có dòng máu anh hùng của con người gan góc, sẵn sàng hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

2. Ôn thi giữa kì 2 môn Ngữ Văn 12: Ngữ pháp tiếng Việt 

2.1 Kiến thức về biện pháp tu từ

a. So sánh: Có tác dụng giúp sự vật, sự việc được miêu tả sinh động hơn, gợi hình dung và cảm xúc. 

b. Ẩn dụ: Là cách diễn đạt mang tính hàm súc, cô đọng, gợi những liên tưởng ý nhị và sâu sắc. 

c. Nhân hóa: Làm cho đối tượng hiện ra sinh động và gần gũi hơn, có tâm trạng, có tâm hồn gắn với con người. 

d. Hoán dụ: Diễn tả sinh động nội dung thông báo và gợi những liên tưởng ý vị, sâu sắc

e. Điêp từ/ngữ/cấu trúc: Giúp nhấn mạnh, tô đậm đối tượng, tăng giá trị biểu cảm cho câu văn, câu thơ. 

f. Nói giảm: Làm giảm nhẹ ý muốn nói, thể hiện sự trân trọng. 

g. Thậm xưng: Tô đậm, phóng đại về đối tượng được nói đến. 

h. Câu hỏi tu từ: Bộ lộ và xoáy sâu vào cảm xúc. 

2.2 Biện pháp tu từ cú pháp: 

- Phép lặp cú pháp: Tạp ra những câu, đoạn văn có chung một kiểu cấu tạo cú pháp làm cho câu văn có tính cân đối, tác động vào nhận thức hay tình cảm. 

- Phép liệt kê: Là cách sắp xếp nối tiếp những đơn vị cú pháp đồng loại nhằm tạo ra ý nghĩa bổ sung về nhận thức hoặc thể hiện cảm xúc, đánh giá chủ quan về các sự vật được đưa ra. 

- Phép chêm xen: Là cách thêm từ ngữ vào câu nhưng không thiết lập mối quan hệ ngữ pháp với phần câu chứa chúng. Mục đích nhằm chi tiết hóa sự việc, làm cho lời văn sinh động hơn... 

2.3 Các phép liên kết: 

- Phép nối: Liên kết câu, tạo nên quan hệ ngữ nghĩa giữa các câu.

- Phép thế: Liên kết câu và tránh lặp từ.

- Phép tỉnh lược: Liên kết câu và tránh lặp từ.

- Phép lặp từ vựng: Liên kết câu và nhấn mạnh ý.

2.4 Các thành phần biệt lập trong câu: 

- Thành phần tình thái: Thể hiện cách nhìn của người đối với sự vật, sự việc được nói đến trong câu. 

- Thành phần cảm thán: Bộc lộ tâm ý của người nói.

- Thành phần phụ chú: Dùng để bổ sung một số chi tiết cho nội dung chính của câu. 

3. Ôn thi giữa kì 2 môn Ngữ Văn 12: Viết văn nghị luận

3.1 Nghị luận xã hội

Vận dụng kiểu bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí, hiện tượng đời sống, để viết đoạn văn khoảng 150 chữ về một vấn đề nào đó gợi ra từ yêu cầu của đề. 

3.2 Nghị luận văn học 

Để làm tốt bài nghị luận văn học các em cần xác định chính xác kiểu bài nghị luận và vấn đề cần nghị luận. Bên cạnh đó các em cần nắm được các trọng tâm kiến thức sau: 

- Giới thiệu được những thông tin chung về tác giả như tên, năm sinh, thành tựu cơ bản. Thông tin về tác phẩm như năm sáng tác, hoàn cảnh sáng tác. 

- Nhớ được cốt truyện, nhân vật chính, các sự kiện hoặc chi tiết tiêu biểu trong truyện. 

- Diễn giải được giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện.

- Vận dụng các kỹ năng dùng từ viết câu, các phép liên kết, biện pháp tu từ, biểu đạt, các thao tác lập luận để phân tích về nhân vật

 

Trên đây là toàn bộ những kiến thức cần ghi nhớ trong quá trình ôn thi giữ kì 2 môn Ngữ Văn 12 mà VUIHOC đã tổng hợp lại cho các em. Chúc các em hoàn thành tốt bài thi giữa kỳ và đạt điểm cao như mong muốn. Hãy truy cập trang web vuihoc.vn để tham khảo thêm nhiều kiến thức hữu ích khác nhé! 

 

Nguồn: 

https://vuihoc.vn/tin/thpt-de-cuong-on-thi-giua-ki-2-mon-ngu-van-12-chi-tiet-2652.html