Văn nghị luận xã hội là một thể loại văn vô cùng quen thuộc đối với các em học sinh, đặc biệt là cấp THPT. Vì sự gần gũi với đời sống, chúng thường xuất hiện trong nhiều đề thi bao gồm cả đề thi học sinh giỏi và đề thi THPT Quốc gia. Bởi vậy bài viết dưới đây VUIHOC đã tổng hợp một cách đầy đủ nhất kiến thức về loại văn này.
1. Nghị luận xã hội là gì?
Văn nghị luận xã hội là những bài văn bàn luận về xã hội, chính trị và đời sống nói chung. Do đó phạm vi của dạng bài này vô cùng rộng. Nó bao gồm nhiều vấn đề tư tưởng và đạo lý cho đến lối sống, bên cạnh đó thì một đề văn nghị luận xã hội đôi khi cũng đề cập tới những câu chuyện nổi bật ở trong cuộc sống hằng ngày.
Hiểu đơn giản, văn nghị luận xã hội chính là dạng văn yêu cầu viết về những vấn đề xã hội. Nó khác với nghị luận văn học ở điểm, không viết về tác phẩm hay nhà văn. Để viết văn nghị luận tốt, học sinh cần phải rèn luyện 2 kỹ năng đó là chứng minh và giải thích.
2. Có những loại bài nghị luận xã hội nào?
Trong khi làm những bài văn về nghị luận xã hội thì có các dạng nghị luận xã hội thường thấy xuất hiện như:
+ Những dạng đề nhắc về hiện tượng đời sống: Đó là những hiện tượng hoặc những vấn đề xảy ra thường ngày trong xã hội. Những hiện tượng ấy có thể là những hiện tượng tác động tích cực tới cuộc sống và cũng có thể đó là vấn đề có tác động tiêu cực tới cuộc sống, có thể là những tấm gương hoặc hành động tốt đẹp của một người hay một số người cũng có thể là những hành động không tốt đẹp còn tồn tại trong xã hội cần phải có sự lên án và nghiêm túc phê bình.
Ví dụ về những dạng đề văn nghị luận xã hội nằm trong dạng bài này: viết đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ nói về tấm gương của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký hoặc viết đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ về vấn đề bạo lực học đường,...
+ Những dạng văn nghị luận xã hội nhắc về tư tưởng đạo lý là những đoạn văn nghị luận xã hội viết về những dạng quan điểm tư tưởng tồn tại trong xã hội từ trước tới nay có thể là những tư tưởng tốt cần được phát huy và nhân rộng, cũng có thể có những tư tưởng là truyền thống của nhân dân ta từ xưa tới nay đã hình thành ăn sâu và bén rễ vào trong tiềm thức của người dân và có thể là những đoạn văn về những tư tưởng hết sức lệch lạc cần phải phê phán.
Ví dụ: viết đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 từ về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, hay viết đoạn văn khoảng 200 từ về câu nói đói cho sạch, rách cho thơm,...
3. Cách làm bài văn nghị luận xã hội chi tiết
3.1 Xác định yêu cầu đề bài
Đọc kĩ sau đó xác định yêu cầu đề bài để xác định được yêu cầu đặt ra là gì? là nghị luận về một hiện tượng đời sống hay là một tư tưởng đạo lí.
Phân biệt được yêu cầu của đề là về tư tưởng đạo lí hoặc đời sống xã hội để biết cách triển khai bài viết.
3.2 Các bước viết bài văn nghị luận xã hội
a. Bước 1 – Viết câu mở đoạn: Giới thiệu về chủ đề bài nghị luận xã hội
Tùy theo dung lượng được yêu cầu của đoạn văn nghị luận xã hội mà em có thể chọn viết phần mở bài dài hoặc ngắn. Tuy nhiên hiện nay với đoạn văn nghị luận xã hội hiện nay thì chỉ là 200 chữ. Do đó cách viết đoạn văn nghị luận xã hội thì câu mở đoạn của các em cần phải hết sức ngắn gọn. Chỉ nên có từ 1 đến 2 câu văn và giới thiệu trực tiếp vào chủ đề bài viết
b. Bước 2 – Giải thích được những từ ngữ trọng tâm
Bao gồm những khái niệm, những từ ngữ đặc biệt, nghĩa đen và nghĩa bóng (nếu có) của chúng. Từ đó, giải thích được ý nghĩa khái quát của câu nói hoặc lời nhận định, mẩu truyện ngụ ngôn… được trích dẫn từ bài đọc (với những đề tích hợp đọc hiểu). Đây còn là bước dẫn để giúp các em chuyển sang phần thân đoạn.
c. Bước 3: Nêu được luận điểm và dẫn chứng để có thể phân tích luận điểm
Đây là bước đầu tiên cho phần nghị luận của phần thân đoạn. Do đó em phải nêu ra được luận điểm chính nhất của bài. Sau đó đưa ra được các dẫn chứng và tiến hành phân tích dẫn chứng ấy để phân tích các luận điểm.
Chú ý với cách viết văn nghị luận xã hội thì khi đưa ra hệ thống dẫn chứng, cần phải đưa từ phạm vi rộng tới phạm vi hẹp (hoặc ngược lại) để dẫn chứng mang được sự thống nhất. Ví dụ: lấy dẫn chứng từ bản thân tới gia đình tới xã hội hoặc từ xã hội đến gia đình đến bản thân. Tránh sắp xếp dẫn chứng một cách lộn xộn: bản thân đến xã hội đến gia đình sẽ làm cho đoạn văn nghị luận trở nên thiếu sự thuyết phục
d. Bước 4: Phân tích về nguyên nhân của vấn đề
Khi phân tích nguyên nhân, người viết cần phải nêu được ý của cả 2 khía cạnh. Bao gồm nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan của một vấn đề. Chú ý tới mỗi khía cạnh cần nêu tối đa 2 nguyên nhân chính để tránh cho đoạn văn nghị luận xã hội tầm 200 chữ bị lan man và dài dòng. Khi đưa ra hệ thống những nguyên nhân cũng cần phải sắp xếp theo một thứ tự nhất định.
e. Bước 5: Phân tích về những ảnh hưởng của vấn đề ấy
Tương tự như khi phân tích về nguyên nhân, khi nêu ra những ảnh hưởng của sự việc, em hãy cố gắng nêu cả những tác động tích cực và tiêu cực của hành động ấy đối với xã hội cũng như với chính mỗi cá nhân. Không nên chỉ đưa ra tác động một chiều để tránh bài nghị luận xã hội chỉ với 200 chữ bị thiên kiến.
f. Bước 6: Mở rộng thêm vấn đề cần nghị luận
Để có được cách viết văn nghị luận xã hội một cách đa chiều hơn và sâu sắc hơn em có thể sử dụng đến một số kỹ thuật nhằm mở rộng vấn đề nghị luận như sau
Giải thích: Không chỉ đưa ra những biểu hiện của thực trạng mà em cũng có thể tiến hành lý giải thực trạng ấy bằng thực tế
Liên hệ với những chủ đề có điểm tương đồng: Ví dụ khi nói đến vấn đề tai nạn giao thông, em có thể đưa thêm dẫn chứng về tỷ lệ tử vong của những căn bệnh khác. Để so sánh và làm nổi bật thêm tỷ lệ tử vong cao của tai nạn giao thông
Lật ngược vấn đề: Đặt ra giả thiết trái ngược sau đó tiến hành phân tích, bác bỏ và đưa ra kết luận
g. Bước 7: Nhấn mạnh vào quan điểm cá nhân về vấn đề
Vì là một bài văn nghị luận xã hội vậy nên người viết phải khẳng định được rằng quan điểm của mình (đồng ý/ không đồng ý hay tán thành/ bác bỏ). Cũng có thể sử dụng cách viết văn nghị luận xã hội để đưa ra ý kiến trung lập. Nhưng phải nêu được đầy đủ các mặt lợi ích cũng như điểm hạn chế của vấn đề và phân tích sâu sắc.
h. Bước 8: Rút ra được bài học cho bản thân và cho toàn xã hội
Từ thực trạng, lợi ích cũng như những tác hại, người viết nên khái quát lại bài học cho chính bản thân. Phần nêu bài học chỉ cần nên nêu ngắn gọn để tránh lan man.
3.3 Lập dàn ý nghị luận xã hội
Những công thức cần nhớ khi làm bài văn nghị luận sẽ bắt nguồn từ những luận điểm và luận cứ cơ bản ở trong bài văn nghị luận. Từ những công thức dễ nhớ ấy mà người viết có thể tìm ra các ý sau đó xây dựng khung ý tưởng phong phú cho bài viết.
Cách lập dàn ý nghị luận xã hội như sau: mở bài, thân bài và cuối cùng là kết bài. Sau đây là những công thức để học sinh có thể viết tốt được ba phần cơ bản này.
a) Mở bài văn nghị luận:
Phần mở bài chính là chìa khóa dành cho toàn bộ bài văn. Phần mở bài gây ấn tượng đầu tiên với người đọc về phong cách nghị luận cũng như phong cách ngôn ngữ riêng của người viết. Phần mở bài bao gồm 3 phần, theo 3 công thức như sau: gợi – đưa – báo, trong đó:
Gợi: Gợi ý ra được vấn đề cần làm.
Sau khi Gợi thì cần đưa ra vấn đề.
Cuối cùng là Báo – tức là phải thể hiện cho người đọc biết được mình sẽ làm gì.
Trong đó, khó nhất chính là phần gợi ý dẫn dắt ra vấn đề, có 3 cặp/6 lối nhằm giải quyết vấn đề như sau:
Cặp 1: Tương đồng/tương phản – đưa ra một vấn đề nào đó tương tự/hoặc trái ngược để liên tưởng tới vấn đề cần giải quyết, sau đó mới tạo ra móc nối nhằm ĐƯA vấn đề ra, cách này thường được dùng khi cần chứng minh, giải thích và bình luận về câu nói, tục ngữ hoặc suy nghĩ.
Cặp 2: Xuất xứ/đại ý – dựa vào những thông tin xuất xứ/đại ý để đưa ra vấn đề, cách này thường được sử dụng cho tác phẩm/tác giả nổi tiếng.
Cặp 3: Diễn dịch/quy nạp – cách này thì cũng rất rő về ý nghĩa rồi.
b) Thân bài văn nghị luận:
Thân bài thực chất là một tập hợp những đoạn văn nhỏ nhằm giải quyết cho một vấn đề chung. Để tìm ý cho phần thân bài thì cần phải có dẫn chứng phù hợp cho cách làm bài văn nghị luận xã hội, có thể sử dụng các công thức sau đây để đặt câu hỏi giúp tìm ý càng nhiều và phong phú càng tốt, sau đó có thể sử dụng toàn bộ hoặc một số ý tưởng để hình thành khung ý cho bài văn:
* Đối với Giải thích:
Là sự giải thích những từ ngữ, khái niệm, câu từ, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng,..nhằm giúp người khác hiểu rő được vấn đề một cách đắn đúng nhất.
Cách giải thích: sử dụng những từ ngữ đơn giản dễ hiểu và những lý lẽ nhằm cắt nghĩa lại những khái niệm và tư tưởng đạo lý phức tạp.
Ví dụ: “Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kỳ vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ. Quy mô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh, phải khoảng. Giao tiếp, ứng xử chuộng hợp tình, hợp lí, áo quần, trang sức, món ăn đều không chuộng sự cầu kì. Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải”.
* Đối với Chứng minh:
Mặt: những mặt của vấn đề?
Không: không gian xảy ra vấn đề ấy (thành thị, nông thôn, ở việt nam hay nước ngoài…).
Giai: giai đoạn (giai đoạn trước năm 1945, sau năm 1945..).
Thời: thời gian – nghĩa có phần hẹp hơn so với giai đoạn (có thể là mùa đông mùa thu hay mùa mưa mùa nắng hoặc buổi sáng buổi chiều..).
Lứa: lứa tuổi (thiếu niên hoặc người già, thanh niên hoặc thiếu nữ…).
Đưa ra những bằng chứng và những thông tin có căn cứ nhằm chứng minh cho vấn đề cần nghị luận
Cách chứng minh: nêu ra được những bằng chứng có căn cứ về thông tin xác thực, những dẫn chứng phải phù hợp và thể hiện tư duy logic.
Ví dụ: “Từ sau khi Việt Nam hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường, tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) của đất nước tăng lên đáng kể. Đầu tư từ ngân sách cho KH&CN vẫn giữ mức 2% trong hơn 10 năm qua, nhưng giá trị tuyệt đối tăng lên rất nhanh, đến thời điểm này đã tương đương khoảng 1 tỷ USD/năm. Cơ sở vật chất cho KH&CN đã đạt được mức độ nhất định với hệ thống gần 600 viện nghiên cứu và trung tâm nghiên cứu của Nhà nước, hơn 1.000 tổ chức KH&CN của các thành phần kinh tế khác, 3 khu công nghệ cao quốc gia ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã bắt đầu có sản phẩm đạt kết quả tốt. Việt Nam cũng có cơ sở hạ tầng thông tin tốt trong khu vực ASEAN (kết nối thông tin với mạng Á- Âu, mạng VinaREN thông qua TEIN2, TEIN4,…”
* Đối với phân tích:
Thao tác phân tích chính là một thao tác chủ yếu ở trong một bài văn nghị luận, giúp làm cho sáng tỏ đào sâu vào các vấn đề từ nhiều mặt và nhiều khía cạnh nhỏ cũng như sâu sắc nhất. Từ đó đưa ra những nhận định tổng quát về vấn đề.
Cách phân tích: chia vấn đề cần phải bàn luận ra nhiều phần nhỏ với những khía cạnh khác nhau, sau đó phân tích và làm rő ý cho từng phần đó.
* Đối với bình luận:
Đưa ra những ý kiến của bản thân nhằm đánh giá cũng như thảo luận về vấn đề
Cách bình luận: nêu ra được những ý kiến để bàn luận và đánh giá vấn đề dưới nhiều phương diện.
Ví dụ: “… Văn hóa ứng xử từ lâu đã trở thành chuẩn mực trong việc đánh giá nhân cách con người. Cảm ơn là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa. Ở ta, từ cảm ơn được nghe rất nhiều trong các cuộc họp: cảm ơn sự có mặt của quý vị đại biểu, cảm ơn sự chú ý của mọi người…Nhưng đó chỉ là những lời khô cứng, ít cảm xúc. Chỉ có lời cảm ơn chân thành, xuất phát từ đáy lòng, từ sự tôn trọng nhau bất kể trên dưới mới thực sự là điều cần có cho một xã hội văn minh. Người ta có thể cảm ơn vì những chuyện rất nhỏ như được nhường vào cửa trước, được chỉ đường khi hỏi… Ấy là chưa kể đến những chuyện lớn lao như cảm ơn người đã cứu mạng mình, người đã chìa tay giúp đỡ mình trong cơn hoạn nạn … Những lúc đó, lời cảm ơn còn có nghĩa là đội ơn”.
* Đối với so sánh:
Làm sáng tỏ được vấn đề bằng cách đặt vào sự vật và sự việc khác tương đồng nhưng phải dễ hiểu hơn nhằm làm sáng tỏ thêm cho vấn đề
Cách so sánh: so sánh vấn đề đang được bàn luận với một vấn đề khác đã được làm sáng tỏ trước ấy hoặc với những sự vật sự việc hiển nhiên, để từ đấy giúp nêu rő thêm quan điểm của người viết.
Ví dụ: “Ai cũng biết Hàn Quốc phát triển kinh tế khá nhanh, vào loại “con rồng nhỏ” có quan hệ khá chặt chẽ với các nước phương Tây, một nền kinh tế thị trường nhộn nhịp, có quan hệ quốc tế rộng rãi. Khắp nơi đều có quảng cáo, nhưng không bao giờ quảng cáo thương mại được đặt ở những nơi công sở, hội trường lớn, danh lam thắng cảnh. Chữ nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh, nếu có thì viết nhỏ đặt dưới chữ Triều Tiên to hơn ở phía trên. Đi đâu. nhìn đâu cũng thấy nổi bật những bảng hiệu chữ Triều Tiên. Trong khi đó thì ở một vài thành phố của ta nhìn vào đâu cũng thấy tiếng Anh, có bảng hiệu của các cơ sở của ta hẳn hoi mà chữ nước ngoài lại lớn hơn cả chữ Việt, có lúc ngỡ ngàng tưởng như mình lạc sang một nước khác”.
* Đối với bác bỏ:
Là cách tranh luận và phản bác một ý kiến được cho là sai lầm
Cách bác bỏ: nêu ra ý kiến sai lầm sau đó tranh luận để đưa ra những ý kiến lập luận đúng đắn. Cần nêu ra được cụ thể cái sai ở đâu và sai ở điểm nào
Những ý sai nhỏ cũng phải được đúc kết từ những ý lớn, khi thống nhất lại phải đưa ra được những đánh giá có sự logic với nhau.
Ví dụ: “ …Nhiều đồng bào chúng ta, để biện minh việc từ bỏ tiếng mẹ đẻ, đã than phiền rằng tiếng nước mình nghèo nàn. Lời trách cứ này không có cơ sở nào cả. Họ chỉ biết những từ thông dụng của ngôn ngữ và còn nghèo những từ An Nam hơn bất cứ người phụ nữ và nông dân An Nam nào. Ngôn ngữ của Nguyễn Du nghèo hay giàu?
Vì sao người An Nam có thể dịch những tác phẩm của Trung Quốc sang nước mình, mà lại không thể viết những tác phẩm tương tự?
Phải quy lỗi cho sự nghèo nàn của ngôn ngữ hay sự bất tài của con người?
Ở An Nam cũng như mọi nơi khác, đều có thể ứng dụng nguyên tắc này:
Điều gì người ta suy nghĩ kĩ sẽ diễn đạt rő ràng, và dễ dàng tìm thấy những từ để nói ra. …”
c) Kết bài văn nghị luận:
Khi kết bài cần phải có bài học về nhận thức và hành động cần có ở trong văn nghị luận xã hội. Có công thức Tóm – Rút – Phấn nhằm thực hiện tốt phần này:
Tóm: tóm tắt lại vấn đề
Rút: rút ra được kết luận gì
Phấn: hướng phấn đấu và suy nghĩ riêng của bản thân.
3.4 Triển khai bài viết
Dựa trên những luận điểm chính đã được nêu ở dàn ý nghị luận xã hội, ta có thể tự viết được một bài văn hoàn chỉnh. Để bài văn thêm sức hấp dẫn, cần lưu ý đến một số điểm:
Tạo sự liên kết giữa những luận điểm, những ý nhằm làm nổi bật thêm cho đối tượng và nội dung cần nghị luận.
Đưa ra những dẫn chứng phù hợp để đảm bảo tính thực tế khách quan.
Lưu ý:
- Dẫn chứng đưa ra cần phải cụ thể, không lấy dẫn chứng nào đó chung chung
- Dẫn chứng người thật và việc thật
- Lồng ghép thêm dẫn chứng vào bài viết thật khéo léo và phù hợp.
- Lập luận một cách chặt chẽ
- Lồng ghép thêm những quan điểm và đánh giá của bản thân (đồng tình hay không đồng tình, ca ngợi hay phê phán,...)
Bình luận mở rộng vấn đề
- Phản biện về những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề cần nghị luận
- Cần có dẫn chứng kèm theo
Đưa ra một bài học nhận thức hay bài học hành động
- Chốt lại bài học mình sẽ nhận được sau khi phân tích
- Bài học cần phải hướng tới những bài học tốt và cách sống tử tế hơn.
Kết luận
- Nêu khái quát được đánh giá ý nghĩa tư tưởng đạo lí đã viết
- Mở ra hướng suy nghĩ mới về vấn đề ấy
4. Những lưu ý khi viết bài văn nghị luận xã hội
Phân bố thời gian làm bài sao cho hợp lý. Với đề bài là viết đoạn văn nghị luận xã hội chỉ bao gồm 200 chữ cho tới 250 chữ, các em không nên dành quá nhiều thời gian làm câu hỏi này. Song cũng không nên mải mê làm những câu khác và viết đoạn văn nghị luận một cách qua loa và cẩu thả
Viết câu ngắn gọn, tránh sự rườm rà, tiết chế những yếu tố biểu cảm làm mất đi tính rő ràng và xác thực mà một bài văn nghị luận xã hội cần phải có
Dẫn chứng đưa ra một cách hợp lý, không được quá ít cũng không quá nhiều; dẫn chứng chung chung hoặc không có tính khách quan, mang tính cảm tính, thiếu đi sự thực tế, logic.
Độ dài văn nghị luận xã hội cần phải phù hợp với yêu cầu: Thông thường khi ra đề sẽ có thêm phần yêu cầu về bài viết có bao nhiêu chữ. Người viết cần phải tuân thủ đúng yêu cầu này. Tránh viết quá dài dòng, hoặc quá ngắn đều dẫn tới kết quả điểm không cao.
Đối với những đề bài yêu cầu viết bài văn, cần phải có đủ mở bài, thân bài và kết bài.
5.Cách ghi điểm khi viết đoạn văn nghị luận xã hội
Đối với đoạn văn nghị luận có độ dài khoảng 200 chữ, điều cơ bản đầu tiên mà thí sinh cần phải ghi nhớ là không được phép ngắt xuống dòng.
Theo cấu trúc đề Ngữ Văn tham khảo thi THPT quốc gia 2017, khác biệt rő nhất trong đề nghị luận xã hội chính là yêu cầu viết một đoạn văn, thay cho một bài hoàn chỉnh. Câu hỏi nghị luận xã hội chỉ yêu cầu viết đoạn văn với khoảng 200 chữ, luận bàn về một vấn đề thể hiện thông qua một khái niệm, một nhận định, một bài học hoặc một thông điệp... được rút ra từ ngữ liệu ở phần đọc hiểu. Đặc điểm này bị chi phối bởi hệ thống câu hỏi đọc hiểu của đề bài cũng như quá trình triển khai những câu hỏi đọc hiểu của thí sinh.
TS Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết đã chia sẻ một số cách có thể ghi điểm khi viết đoạn văn nghị luận xã hội.
Với thiết kế đề thi như phía trên, nếu suy nghĩ sau đó trả lời sâu và chắc chắn ở phần đọc hiểu, thí sinh sẽ hết sức thuận lợi khi triển khai vấn đề khi gặp câu nghị luận xã hội. Bởi vấn đề nghị luận không thể nào đi chệch khỏi nội dung tư tưởng quan trọng hàng đầu bao trùm toàn văn bản đọc hiểu. Nội dung trả lời câu hỏi do đó cũng sẽ liên quan gần như trực tiếp đến đoạn văn nghị luận xã hội.
Tuy nhiên, học sinh cần phải lưu ý phương pháp làm bài, tránh việc kể lể, nhắc lại những chi tiết ở trong ngữ liệu đọc hiểu hoặc chép lại toàn bộ phần đọc hiểu "lắp ghép" vụng về vào trong đoạn nghị luận xã hội.
Với dung lượng chỉ khoảng 200 chữ, quỹ điểm là 2 và vấn đề nghị luận đã được khai thác rất kỹ ở phần đọc hiểu, đoạn viết nghị luận xã hội nên được dành thời gian nhiều nhất là khoảng 20-25 phút. Thí sinh tránh lan man dài dòng đối với câu hỏi này, làm ảnh hưởng đến quỹ thời gian cho câu nghị luận văn học với quỹ điểm nhiều nhất trong đề.
Khi viết đoạn văn khoảng 200 chữ, thí sinh cần phải chú ý trình bày đúng quy tắc một đoạn văn chính là không ngắt xuống dòng. Dung lượng an toàn của một đoạn văn như thế là 2/3 tờ giấy thi, tương đương với khoảng 20 dòng viết tay.
Thí sinh nên linh hoạt trong việc lựa chọn hình thức đoạn văn sao cho phù hợp, có thể là diễn giải, quy nạp hoặc tổng phân hợp… Tuy nhiên, nên ưu tiên lựa chọn hình thức tổng phân hợp nhằm tạo sự ấn tượng về một văn bản hoàn chỉnh, độc lập và đầy đặn.
Cần lưu ý về nguyên tắc viết đoạn, tránh kể lể bàn luận quá lan man trùng lặp. Phần mở đoạn và kết đoạn chỉ nên viết trong một câu văn ngắn gọn. Trong đó mở đoạn giới thiệu được vấn đề nghị luận, thân đoạn là phần triển khai nội dung nghị luận, kết đoạn sẽ viết về bài học cho bản thân…
Trong phạm vi một đoạn văn ngắn, chỉ nên chọn ra một dẫn chứng mang tính tiêu biểu và điển hình, phù hợp làm nổi bật lên vấn đề nghị luận. Tuyệt đối tránh kể chuyện quá lan man dông dài.
Ví dụ một đề văn nghị luận và gợi ý cách làm bài:
"... Con tàu Titanic bị đắm đã để lại nhiều di sản quý giá cho nhân loại
Khi phát hiện ra con tàu đang bị đắm, người ta đã vội vã thả thêm phao cứu sinh xuống biển. Trong tình cảnh hỗn loạn, chỉ vang lên một câu nói "Để phụ nữ và trẻ em lên trước", cũng đã thể hiện một cách ứng xử vượt lên trên cả những bài học về tiền bạc hay sự tự mãn, vượt lên cả những nỗi đau…
Khi hiệu lệnh ấy vang lên, nhiều người đã rời xa thuyền cứu hộ, đứng lặng lẽ và chậm rãi dựa lên tay vịn. Họ bắt đầu châm những điếu thuốc sau đó hút chúng. Nhiều hành khách lặng đi và không muốn phải chứng kiến sự chia ly của các gia đình. Dù là người nổi tiếng hoặc kẻ vô danh, những hành khách dũng cảm ấy đã để lại cho nhân loại một di sản vô cùng to lớn.
John Jacob Astor IV là một nhà kinh doanh, cũng là nhà phát minh, nhà văn nổi tiếng và ông là một trong những người giàu có nhất thế giới bấy giờ. Ông đã đưa người vợ đang mang thai 5 tháng của mình lên thuyền cứu hộ, rồi sau đó lịch sự nhường chỗ của mình bằng một cách dịu dàng nói với hai người phụ nữ đứng cạnh ông: "Các quý cô, mời lên thuyền". Doanh nhân nổi tiếng Isidor Straus đã cùng vợ mình đã ở lại trên tàu. Ông nói: "Tôi sẽ không đi khi những người đàn ông khác còn đang ở lại". Còn vợ của ông, quý bà Ida thì khẳng định rằng: "Tôi sẽ không rời khỏi chồng mình. Chúng tôi sẽ chết như chúng tôi đã sống cùng nhau". Họ đã nắm chặt tay nhau cho tới giây phút cuối cùng.
Một nhân chứng người Thụy Sĩ đã kể lại việc cô bồng hai đứa con lên thuyền cứu hộ, nhưng không còn có đủ chỗ cho bản thân. Một người phụ nữ đã đứng lên để nhường chỗ cho cô sau đó nói rằng: "Ngồi đi, những đứa trẻ không thể thiếu mẹ!". Cô hối tiếc vì đã không hỏi tên của ân nhân ấy khi phần đuôi tàu bắt đầu chìm xuống nước. Vào thời khắc mà con tàu bắt đầu chìm, người ta đã không nghe thấy được tiếng gào thét sợ hãi nữa, thay vào đó chính là những lời yêu thương, những lời chúc phúc cũng như những nghĩa cử cao đẹp của con người đối với con người.
Những chiếc thuyền cứu nạn đã ưu tiên dành cho đối tượng trẻ em và phụ nữ.
"Phụ nữ và trẻ con lên trước", đó cũng chính là lệnh của thuyền trưởng. Nhưng tại sao mọi người ai cũng tuân theo? Không có bất cứ điều lệ nào bắt buộc con người ta phải làm thế. Không ai có quyền được yêu cầu người khác phải từ bỏ đi sinh mạng của mình. Thế nhưng, nhiều người vẫn làm như thế, đã hy sinh mạng sống của chính mình cho những người không quen biết, đó chính là vì lòng hào hiệp và cả lương tri..."
Sau 4 câu hỏi nhỏ ở phần đọc hiểu, phần nghị luận xã hội yêu cầu như sau: Hiệu lệnh Để phụ nữ và trẻ em lên trước của thuyền trưởng cũng đồng nghĩa với mệnh lệnh yêu cầu một bộ phận hành khách phải từ bỏ sinh mạng của họ. Có người cho rằng hiệu lệnh ấy đi ngược lại với luật pháp và quan niệm Kitô giáo "Chỉ có Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử". Trình bày suy nghĩ riêng của các anh/chị với một đoạn văn có độ dài khoảng 200 chữ.
Trong đoạn văn khoảng 200 chữ này, các phần mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn cần chứa các ý như sau:
Mở đoạn:
+ Giới thiệu về vấn đề nghị luận.
+ Giới hạn vấn đề bàn luận: Hiệu lệnh đó đúng hay sai? Có nhất thiết cần phải thực hiện hay không? Đó là vấn đề cần chúng ta phải suy nghĩ và giải đáp.
Thân đoạn: Trả lời những câu hỏi vừa đưa ra:
+ Hiệu lệnh trên không đúng với quy định của luật pháp và với quan niệm Ki tô giáo (0,25 điểm).
+ Tuy nhiên, khi cơ hội không chia đều cho tất cả mọi người, sự lựa chọn ấy sẽ là tất yếu. Khi đó, hiệu lệnh này rất chính xác khi dành sự sống cho những đối tượng có phần yếu đuối hơn, luôn cần được bảo vệ theo quan niệm đời thường trong một cộng đồng những người văn minh (0,5 điểm).
+ Hiệu lệnh ấy còn giúp tránh cho hành khách một cuộc chen lấn để giành giật cơ hội, được sống luôn là quý giá đối với bất kỳ ai trên đời (0,5 điểm).
+ Hiệu lệnh tuy đúng, nhưng việc hành động lại tùy thuộc vào ý thức cũng như lương tri của mỗi con người. Do vậy, hiệu lệnh sẽ không chỉ thể hiện được cách ứng xử nhân ái và văn minh mà còn như một phép thử về nhân cách, góp phần tạo được sự bền vững chắc chắn cho nền tảng văn hóa của một cộng đồng xã hội (0,25 điểm).
Kết đoạn: Bài học nhận thức và hành động dành cho bản thân (0.25 điểm).
Giới hạn một đoạn văn 200 chữ chính là một thử thách đối thí sinh khi làm nghị luận xã hội. Vì vậy, trước khi triển khai, thí sinh cần phải xây dựng dàn ý sơ lược mới có thể viết được một đoạn văn trọn vẹn và có mục đích.
Bài viết trên đã trình bày đầy đủ và dễ hiểu nhất nội dung về văn nghị luận xã hội. Hy vọng rằng khi các em đọc bài viết này, các em có thể hiểu được khái niệm, phân loại, cách làm để có thể ghi được điểm tuyệt đối với dạng văn này. Ngoài ra, nếu các em muốn học thêm về những thể loại văn khác thuộc chương trình ngữ văn nói riêng hay kể cả những kiến thức của môn học khác nữa, các em hãy nhanh chóng truy cập vào website vuihoc.vn để có thể đăng ký khoá học và cùng trải nghiệm học tập cùng thầy cô VUIHOC ngay nhé!
Nguồn:
https://vuihoc.vn/tin/thpt-huong-dan-lam-bai-van-nghi-luan-xa-hoi-tu-a-z-2568.html